Tiểu sử Minh_Vượng

Minh Vượng là con thứ hai trong một gia đình có sáu anh chị em tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội. Minh Vượng được xem nhiều thể loại vở diễn trên sân khấu tại sân chiếu bóng Lương Yên, bà đã ước mơ được làm diễn viên trên sân khấu từ nhỏ. Năm 1959, gia đình bà chuyển về khu tập thể Nhà máy rượu Hà Nội, bố mẹ, anh chị em bà đều làm công nhân tại đây. Năm 1968, bà học Trung học cơ sở tại trường Lương Yên B, Hà Nội. Năm 1973, Minh Vượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội, nhưng gia đình không cho theo học. Tiếp đó, bà thi đỗ vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, nhưng lại không theo học vì sợ bị cắt hộ khẩu. Tháng 4 năm 1974, bà thi đỗ vào Khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội do được Nghệ sĩ nhân dân Quỳnh Nga đánh giá cao trong phần đóng tiểu phẩm.[1] Năm 1978, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội, Minh Vượng công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội nhưng không được diễn ngay do hạn chế về ngoại hình. Năm 1980 Minh Vượng diễn vai đầu tiên, bà vào vai một cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở "Hà Mi của tôi" Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn và được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm đó.[2] Sau những khởi đầu tốt đẹp, Minh Vượng được tham gia tiếp các vai diễn: Bà mối trong vở kịch “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”. Hai vai diễn này đã giúp Minh Vượng lập hai Huy chương vàng trong vòng một ngày tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991, gây tiếng vang lớn. Bà cũng đóng vai người mất gà trong phim ngắn Xét xử tài tình của loạt phim Cổ tích Việt Nam do Hãng phim Phương Nam thực hiện sản xuất năm 1996.

Sau này, Minh Vượng tham gia một số bộ phim truyền hình và nhiều tiểu phẩm hài trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và “Gặp nhau cuối năm”.[3]

Ngoài vai trò là diễn viên hài kịch, Minh Vượng còn làm giảng viên khoa sân khấu của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, bà còn trực tiếp làm đạo diễn và diễn viên chính trong bộ phim truyền hình “Lời phời phiêu lưu ký” năm 2012.[4]

Liên quan